• ĐẠI LÝ THUẾ TÂN PHÚ QUÝ

NÊN THÀNH LẬP CÔNG TY HAY HỘ KINH DOANH

Posted on 25/01/22 by viettrinh

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Việc thành lập công ty hay hộ kinh doanh để bắt đầu khởi nghiệp không phải ai cũng nắm rõ được. Bài viết sau đây sẽ đi sâu vào phân tích các ưu điểm và nhược điểm của công ty và hộ kinh doanh để bạn đọc có thể lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp.

Để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp, bạn cần hiểu rõ về các ưu, nhược điểm của các loại hình này.

Ưu điểm và nhược điểm khi thành lập công ty

Ưu điểm:

– Về khả năng huy động vốn: Công ty có khả năng huy động vốn cao và linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như: Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu (Theo quy định tại khoản 4 Điều 46 và khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020); Công ty Cổ phần có thể huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác (Theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).

– Về việc mở rộng quy mô kinh doanh: Công ty có thể mở rộng kinh doanh với quy mô lớn, địa điểm kinh doanh bằng hình thức lập chi nhánh; văn phòng đại diện…(Theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Về tư cách pháp nhân: Công ty cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân. Do có tư cách pháp nhân, có tài sản tách bạch của chủ sở hữu doanh nghiệp với pháp nhân đó nên sẽ giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào công ty.

– Về nghĩa vụ thuế: Công ty được phép xuất hóa đơn giá trị gia tăng (Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013)

Nhược điểm:

– Về trình tự, thủ tục thành lập: các loại hình công ty thành lập khá phức tạp. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phải tuân theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

– Về việc quản lý công ty: Do số lượng người lao động lớn và quy mô hoạt động kinh doanh lớn nên việc quản lý nhân sự và hoạt động kinh doanh của công ty trở nên khó khăn hơn.

Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh? (Ảnh minh họa)

Ưu điểm và nhược điểm khi thành lập hộ kinh doanh

Ưu điểm:

– Về trình tự thủ tục thành lập, thay đổi, giải thể hộ kinh doanh: Hồ sơ,  thủ tục không quá phức tạp.

– Do hộ kinh doanh không ràng buộc về vốn nên hộ kinh doanh có thể kinh doanh với số vốn lớn hoặc nhỏ. Do đó, khả năng quay vòng vốn nhanh giúp quá trình kinh doanh thuận lợi hơn.

Nhược điểm:

– Về khả năng huy động vốn: Hộ kinh doanh bị hạn chế về khả năng huy động vốn. Hộ kinh doanh chỉ có thể huy động vốn bằng hình thức vay vốn của các cá nhân, tổ chức tín dụng khác.

– Về tư cách pháp nhân: Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, các thành viên trong hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình (Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

– Về thuế: Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn giá trị gia tăng nên có thể sẽ hạn chế về nguồn khách hàng (Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013).

Từ những phân tích trên, việc thành lập hộ kinh doanh hay công ty đều có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Căn cứ vào các ưu điểm và nhược điểm của hai loại hình trên, bạn có thể lựa chọn thành lập hộ kinh doanh hoặc công ty phụ thuộc vào quy mô hoạt động, số vốn kinh doanh, ngành nghề lĩnh vực muốn kinh doanh…

Ví dụ: Đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP, bạn cần phải thành lập doanh nghiệp thì mới đáp ứng điều kiện để được kinh doanh bất động sản.

Theo: Hieuluat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2020 © Tân Phú Quý | Design by Ngọc Thắng