• ĐẠI LÝ THUẾ TÂN PHÚ QUÝ

HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG ĐIỆN TỬ LÀ GÌ? CÓ GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Posted on 15/08/22 by viettrinh

Hợp đồng lao động điện tử là gì? Có giá trị như thế nào?

Một trong các hình thức giao kết hợp đồng lao động hiện nay là giao kết thông qua phương thức điện tử. Vậy hợp đồng lao động điện tử là gì? Có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản hay không?

Hợp đồng lao động điện tử là gì?

Trước hết, khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 giải thích hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Bộ luật này cũng ghi nhận sự tồn tại của hợp đồng lao động điện tử như một điểm mới đáng chú ý so với Hợp đồng lao động 2012. Cụ thể:

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Như vậy, hợp đồng lao động điện tử được công nhận với điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 giải thích hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định.

Thông điệp dữ liệu chính là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lữu trữ bằng phương tiện điện tử. Còn phương tiện điện tử cũng được giải thích là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

Kết luận: Hợp đồng lao động điện tử là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, trong đó quy định điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động bằng phương thức điện tử như qua chữ ký số…

hop dong lao dong dien tu la gi

Có được giao kết hợp đồng lao động điện tử? (Ảnh minh họa)

 

Giá trị của hợp đồng lao động điện tử như thế nào?

Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau:

“Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”

Như vậy, hiện nay, pháp luật ghi nhận có ba hình thức giao kết hợp đồng lao động là bằng văn bản, lời nói và phương tiện điện tử.

Khi ký hợp đồng lao động điện tử mà đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì Hợp đồng lao động điện tử cũng sẽ có giá trị pháp lý như khi ký hợp đồng bằng văn bản.

Việc công nhận hợp đồng lao động điện tử như hình thức giao kết bằng văn bản đã thể hiện bước tiến mới, phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ lao động trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, việc ký kết hợp đồng lao động với người lao động ở tỉnh khác, nước khác ngày càng phổ biến.

Điều kiện để hợp đồng lao động điện tử có hiệu lực là gì?

Đầu tiên, để hợp đồng lao động điện tử có hiệu lực, cần đáp ứng điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lao động thông thường.

– Điều kiện về chủ thể: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động;

– Nội dung của hợp đồng lao động không được trái pháp luật, không vi phạm điều cấm của pháp luật, gồm các nội dung chính sau đây:

+ Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

+ Công việc và địa điểm làm việc;

+ Thời hạn của hợp đồng lao động;

+ Tiền lương;

+ Chế độ nâng bậc, nâng lương;

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

+ Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;+ Các thỏa thuận khác.

Ngoài ra, khi lựa chọn ký kết hợp đồng lao động điện tử, hợp đồng này cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Nội dung được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh thể hiện qua việc chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

– Nội dung có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

chu ky so trong hop dong lao dong dien tu the nao

Chữ ký số trong hợp đồng lao động điện tử thế nào? (Ảnh minh họa)

Những lợi ích và phòng tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng lao động điện tử

Lợi ích

Việc bạn và công ty lựa chọn giao kết hợp đồng lao động theo phương thức điện tử đem lại nhiều lợi ích, cụ thể:

– Người lao động và người sử dụng lao động không cần phải gặp mặt trực tiếp để ký kết hợp đồng, giúp tiết kiệm được được thời gian, tiết kiệm công sức, chi phí đi lại, in ấn…

– Chủ động trong việc ký kết mà không phụ thuộc vào người khác, chẳng hạn sếp đi công tác không thể ký kết được hợp đồng hay nhân viên hành chính nghỉ phép không có con dấu…

– Giúp cho việc lưu trữ, quản lý, báo cáo nhân sự được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác hơn.

Phòng tránh rủi ro

Mặc dù có rất nhiều lợi ích mang lại nhưng khi giao kết hợp đồng lao động điện tử cũng có một số rủi ro:

Một là khó xác định được năng lực của chủ thể;

Hai là khó xác định giá trị của chữ ký điện tử.

Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận và đáp ứng được các điều kiện sau đây:

– Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;
– Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;
– Sau thời điểm ký, mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử đều có thể bị phát hiện;
– Sau thời điểm ký, mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu đều có thể bị phát hiện.

Bạn cần thực hiện các biện pháp để kiểm tra mức độ tin cậy của một chữ ký điện tử trước khi chấp nhận chữ ký đó. Xác minh giá trị pháp lý của chứng thư điện tử và các hạn chế liên quan tới chứng thư điện tử trong trường hợp công ty sử dụng chứng thư điện tử để chứng thực chữ ký điện tử.

Theo Điều 79 Nghị định 130/2018/NĐ-CP trước khi chấp nhận chữ ký số của người ký, người nhận phải kiểm tra các thông tin sau để xác định tính chính xác của chữ ký số:

a) Trạng thái chứng thư số, phạm vi sử dụng, giới hạn trách nhiệm và các thông tin trên chứng thư số của người ký;

b) Chữ ký số phải được tạo bởi khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số của người ký;

c) Đối với chữ ký số được tạo ra bởi chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam, người nhận phải kiểm tra hiệu lực chứng thư số trên cả hệ thống của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và hệ thống của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp chứng thư số đó.

Về quy trình kiểm tra chứng thư số, thực hiện như sau:

– Kiểm tra trạng thái chứng thư số tại thời điểm thực hiện ký số, phạm vi sử dụng, giới hạn trách nhiệm và các thông tin trên chứng thư số đó trên hệ thống kỹ thuật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã cấp chứng thư số đó;

– Kiểm tra trạng thái chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã cấp chứng thư số đó tại thời điểm thực hiện ký số trên hệ thống kỹ thuật của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia nếu người ký sử dụng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp.

Theo: Hieuluat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2020 © Tân Phú Quý | Design by Ngọc Thắng