• ĐẠI LÝ THUẾ TÂN PHÚ QUÝ

NHỮNG VƯỚNG MẮC GÂY NGHẼN MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Posted on 24/06/22 by viettrinh

NHỮNG VƯỚNG MẮC GÂY “NGHẼN MẠCH” GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Tính đến ngày 20/6/2022, theo báo cáo của Kho bạc nhà nước thì tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh sau điều chỉnh bổ sung là 16.897 tỷ đồng chiếm 50% tổng chi ngân sách địa phương. Cũng tính đến thời điểm này, nếu loại trừ số vốn chưa phân khai chi tiết (tổng số 608,75 tỷ đồng) toàn tỉnh đã giải ngân được 4.397/16.288 tỷ đồng đạt 27% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 đạt 33,4% KH), nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 39,2%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 24,6%). Vì sao tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đến thời điểm này lại đạt thấp?

6 nguyên nhân căn bản

Mặc dù đã có sự chuyển biến trong giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2022, song thực tiễn cho thấy, hoạt động giải ngân vốn đầu tư vẫn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu, có thể chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập (xung đột về lợi ích, về đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường có sự không đồng nhất giữa dự án đầu tư công – áp giá kèm hỗ trợ và dự án đầu tư tư – áp giá kèm thỏa thuận…, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…), gây kìm hãm hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư công không đảm bảo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Thứ hai, thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư công, đầu tư xây dựng, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, đấu thầu rất dài, trong đó có những gói thầu dự án thủ tục đấu thầu đến 6 tháng (như một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA, phải tổ chức đầu thầu quốc tế). Các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ tại Việt Nam tính toán, để khởi động chuẩn bị cho một dự án, từ khâu ý tưởng đến khi khởi công phải cần ít nhất khoảng thời gian 3 năm. Đây là nút thắt của đầu tư công trong giai đoạn trước, nghĩa là, công tác chuẩn bị đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công phải đi trước một bước trước kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau.

Cụm công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Quảng Ninh

Thứ ba, vẫn tư duy “lối mòn” của một số đơn vị chủ đầu tư, chưa bắt nhịp đồng thời với pháp luật đầu tư công mới (LĐT công 2014 và LĐT sửa đổi 2019), khiến nhiều dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khâu chuẩn bị đầu tư làm sơ sài, thiếu sự điều tra, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng đã quyết định chủ trương đầu tư để được bố trí vốn, đặc biệt là đề nghị bố trí cấp bách, theo đó, có nhiều dự án khi triển khai gặp trở ngại, khó khăn vướng mắc, đến nay không thể giải ngân; ngoài ra, có những dự án khi quyết định chủ trương đầu tư chưa thể tiên lượng được các yếu tố tác động từ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của giai đoạn tới, hoặc sự thay đổi chính sách về đơn giá GPMB khiến một số dự án chưa phê duyệt DA đã phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (ví dụ dự án Đường ra bến cảng Hòn Nét – Con ong, đã được phê duyệt CTĐT tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 209,5 tỷ đồng; dự án đã được UBND tỉnh giao Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông làm Chủ đầu tư. Đến nay do chi phí GPMB tăng lên trên 100 tỷ, tăng lên tổng mức 369 tỷ, phải điều chỉnh CTĐT).

Thứ tư, công tác lập kế hoạch đầu tư công của các chủ đầu tư chưa sát với thực tế, kể cả việc đề nghị giao vốn hằng năm cho dự án chưa phù hợp với khả năng giải ngân vốn dẫn đến dự án có khả năng giải ngân tốt thì thiếu vốn, dự án không giải ngân được thì vốn chờ thủ tục dự án, việc này dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo mục tiêu của tỉnh đề ra. Mặt khác, đối với một số địa phương có nguồn thu, tự cân đối ngân sách (VD: Các thành phố, thị xã thuộc tỉnh…) do tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nguồn thu chậm (nguồn thu tiền sử dụng đất, phí thăm quan…) dẫn đến mặc dù có khối lượng HT nhưng chưa thể giải ngân.

Thứ năm, công tác tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện của các Sở, ban, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập; các đơn vị chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu… còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Thứ sáu, tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, nên xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm.

Theo: Baoquanninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2020 © Tân Phú Quý | Design by Ngọc Thắng